Select Menu

clean-5

Wisata

Budaya

Kuliner

Kerajaan

kota

Suku

» » Guitar cho người mới bắt đầu (phần 3)

Phần 3: Nốt nhạc
A. Căn bản nốt nhạc
Các dấu căn bản của bản nhạc:

Hình 1. Các dầu căn bản (trang votahan.com, nguồn: sách Carulli)

Các dấu hiệu trên hình thể hiện TRƯỜNG ĐỘ của nốt được chơi, hoặc của quãng nghỉ (lặng). Trong âm nhạc, việc nghỉ (lặng), tức không phát ra âm thanh, cũng quan trọng không kém việc chơi một nốt nào đó.

Có 4 thuộc tính chính của một nốt tạo nên tiếng đàn ta nghe:

a/ Cao độ

b/ Trường độ

c/ Cường độ

d/ Âm sắc

Các nốt khác nhau thì cao độ khác nhau. Ví dụ: nốt Mì thấp hơn nốt Fa nửa cung, nốt Fa thấp hơn nốt Sol một cung… Khi chơi guitar, có thể nói cao độ là thứ dễ dàng đạt được nhất, bằng cách bấm đúng vị trí nốt trên cần đàn.

Trường độ, cường độ và âm sắc là những thuộc tính khó để đạt được sự hoàn thiện, và chúng thể hiện trình độ khác nhau của những người chơi đàn. Người chơi lâu năm và học bài bản tiếng đàn sẽ rất khác với những người mới bắt đầu, nếu họ cùng chơi 1 bản nhạc giống hệt nhau.

Sự khác nhau về cao độ các nốt nhạc thể hiện như sau:

ĐỒ 1 cung RÊ 1 cung MI ½ cung Fa 1 cung SOL 1 cung LA 1 cung Si ½ cung ĐỐ

Nhận xét:

- Các nốt khác nhau 1 cung về cao độ, trừ trường hợp Mi – Fa và Si – Đô là chênh lệch ½ cung.

- Nốt ĐỒ đầu tiên và nốt ĐỐ cuối cùng cùng tên (là nốt C trong ký âm phương Tây), nhưng khác nhau về cao độ. Người ta thường gọi la chênh nhau 1 quãng Tám.

Ví dụ về sự khác nhau quãng Tám, trong các bài song ca nam, nữ, ở những đoạn 2 ca sĩ hát cùng nhau, người nam thường hát rất thấp, người nữ hát rất cao, nhưng ta nghe vẫn rất hài hòa như một. Trong trường hợp đó, ví dụ người nam hát nốt Đồ, người nữ sẽ hát nốt Đố cao hơn quãng tám, người nam hát Rê, người nữ hát Rế…


B. Vị trí các nốt trên bản nhạc


Hình 2. Vị trí các nốt nhạc (trang votahan.com, nguồn: sách Carulli)


C. Vị trí các nốt trên cần đàn

Nhắc lại trong các phần trước: các nốt của 6 dây đàn là Mì Là Rề Sol Si Mí, tính từ dây số 6 (dây to nhất) xuống dây sốt 1 (dây nhỏ nhất). Để chơi các nốt này, ta chỉ cần gảy dây tương ứng, không bấm bất kỳ phím nào bằng tay trái ở cần đàn.

Ở cây đàn guitar, 1 ngăn trên cần đàn tương ứng ½ cung về mặt cao độ. Tức là:

- đánh dây số 6 buông là nốt Mì (nốt đầu tiên trong hình 2)

- bấm ngăn đầu tiên và chơi dây số 6, sẽ được nốt Mì + ½ cung, tức nốt Fà (ta biết Mì – Fà chênh nhau ½ cung như đã nói ở trên)
- Bấm ngăn số 3 và chơi dây số 6, ta được nốt Sol, vì Fà + 1 cung (2 ngăn) = Sol

- Bầm ngăn số 5 và chơi dây số 6, ta được nốt Là, vì Sol + 1 cung = Là.

Và, điểm đặc biệt, nốt Là trên dây số 6, ngăn 5 cũng chính là nốt là khi chơi dây số 5 không bấm. Đặc điểm này ta đã tận dụng trong việc lên dây đàn (ở bài: Guitar cho người mới bắt đầu, phần 2). Ở đây ta nhận xét thêm, một nốt với cùng cao độ, có thể được chơi bằng nhiều vị trí khác nhau trên cây đàn. Do đó, nảy sinh các khái niệm xếp ngón (arrangement) và thế tay (position) khi chơi một bản nhạc.

Thường với người mới bắt đầu, cung Đô trưởng là điểm khởi đầu để học và nhớ nốt:

- Bắt đầu với nốt Đồ, ở ngăn 3 dây số 5
- Nốt tiếp theo là Rê, dây số 4 buông.
- Sau đó là Mi, ngăn 2 dây số 4.
- Tiếp đến là Fa, ngăn 3 dây số 4.
….


Ta sẽ có bài tập thực hành chơi các nốt trên cung Đô trưởng, sẽ được trình bày ở phần bài tập thực hành.


D. TAB

TAB là cách biểu thị bản nhạc nhanh, dễ đọc cho những người mới bắt đầu. Ví dụ ta có khuôn nhạc sau:



Thì cách biểu diễn TAB tương ứng cho nó là:



Cách đọc TAB:

a/ Có 6 dòng kẻ, tương ứng với 6 dây đàn guitar. Từ trên xuống dưới là dây số 1, 2, 3, 4, 5, 6.

b/ Các số viết trên các dòng kẻ là ngăn ta phải bấm trên dây tương ứng để chơi nốt nhạc. Ví dụ: nốt đầu tiên là số 3, nằm trên dòng kẻ thứ 5, do đó ta bấm ngăn 3 trên dây số 5 để chơi nốt này.

c/ Bản tab được đọc từ trái qua phải, tương tự bản nhạc. Nếu 2 số nằm trên 2 dây khác nhau, nhưng cùng một hàng dọc, ta sẽ chơi cùng lúc 2 nốt này.

Phần mềm guitar pro là phần mềm thông dụng và giúp người học tiếp cận với guitar nhanh. Chức năng chính của guitar pro là thể hiện bản nhạc, bản tab, vị trí nốt trên cần đàn, chơi thành âm thanh ta nghe và tập theo được.

Cách biểu diễn TAB được ưa chuộng, nhất là với người chơi không chính quy vì đã chỉ sẵn vị trí nốt, người đọc không cần học và biết nốt nhạc. Tuy nhiên, chúng ta nếu xác định đầu tư thời gian để tập đàn thì nên tiếp cận với cách đọc bản nhạc trước, và dùng tab như một công cụ hỗ trợ học nhanh. Điểm yếu của tab là không thể hiện được trường độ của nốt nhạc, tức là: nốt nào nốt đơn, đen, ngân bao lâu…


E. Thực hành

Tập đọc và chơi các nốt trên cung đô trưởng. Tay phải đánh đảo ngón hệt như bài tập thực hành ở phần 2. Cách xếp ngón tay trái xin xem ở video demo. Giao diện chụp từ Guitar Pro 5:



Các bạn có thể tải file .gp đính kèm về và chạy bằng chương trình Guitar Pro.

Các bạn có thể đặt một số mục tiêu cho mình trong bài tập này:

a/ Chơi bài tập lặp đi lặp lại 10 lần mà vẫn không vấp, sai.

b/ Tay phải đảo ngón chính xác và không vấp: bạn khởi đầu 1 vòng bằng cách dùng ngón trỏ gảy nốt đồ, sau đó luân phiên ngón trỏ - giữa, thì khi chạy về lại nốt Đồ ngón gảy chính xác phải là ngón trỏ.

File guitar pro cho bài tập: www.box.net/shared/7ygmxu1t62

Video minh họa.



Thân ái.
Biên soạn: Lê Trường Vĩnh Phú

About Admin

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply

Kerajaan