Trong môn phái chúng ta có nhiều huynh đệ hoàn toàn mới bắt đầu làm quen với cây đàn guitar, do đó không tránh khỏi khó khăn bước đầu trong việc tiếp cận các bài tập này.
Với
mong muốn giúp mọi người có thể dễ dàng bước chân vào thế giới của
tiếng đàn guitar, không phân biệt trình độ, tuổi tác, tôn giáo, trên
tinh thần cùng chia sẻ tự nguyện và luyện tập cùng nhau, người viết biên
soạn ra loạt bài này, hy vọng sẽ có ích cho trang nhạc.
Trong
quá trình biên soạn, người viết có thể thu thập, tổng hợp thông tin từ
một số nguồn bên ngoài. Trong các trường hợp này, người viết sẽ cố gắng
trích dẫn nguồn tư liệu rõ ràng trong sự hiểu biết của mình.
Phần 1: Cơ bản về cây đàn guitar.
Bắt đầu tập đàn, điều đầu tiên là phải có đàn . Guitar như một người bạn, chúng ta cũng nên có những hiểu biết cơ bản nhất về người bạn này.
A. Cấu tạo cây đàn
Đàn
guitar có 6 dây, theo thứ tự từ trên xuống dưới (hay từ dây to nhất
xuống dây nhỏ nhất) là: Mì Là Rề Son Si Mí – theo cách gọi phổ biến ở
VN, hay E A D G B E – theo ký âm phương Tây.
Hình 1 cho thấy các bộ phận cơ bản của cây đàn.
Hình 1: Đàn guitar cổ điển
1. Bộ khóa: Dùng để căng và giữ 6 dây đàn. Khi lên dây ta vặn điều chỉnh các khóa để căng/chùng dây đàn đến nốt mong muốn.
2. Cần đàn và phím đàn: cần đàn bằng gỗ, là nơi ta dùng ngón tay trái bấm lên dây đàn tạo thành các nốt khác nhau.
Cần
đàn chia thành nhiều ngăn bởi các phím đàn (thường bằng đồng). Các ngăn
3,5,7,12… (đếm từ bộ khóa) thường được đánh dấu bằng chấm tròn nhỏ, có
thể trên mặt cần đàn hoặc ở cạnh cần đàn.
3.
Con ngựa: hợp với bộ khóa căng các dây đàn. Một nhận xét nhỏ ở đây, nếu
bạn dùng tay phải gảy dây đàn càng gần con ngựa, tiếng đàn càng mỏng và
đanh. Ngược lại, nếu gảy gần lỗ thoát âm hoặc dịch lên trên cân đàn,
tiếng đàn đục và ấm.
4.
Thùng đàn và lỗ thoát âm: hệ thống cộng hưởng khuếch đại âm thanh từ
dây đàn, là bộ phận chính tạo nên âm thanh mà ta nghe được.
B. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cây đàn tốt
- Bộ khóa chắc, không để dây bị tuột, chùng sau một thời gian chơi.
-
Cần đàn thẳng, xem hình 1, góc chụp ngang, khi ta nhìn cần đàn hợp với
thùng đàn thành 1 đường thẳng tuyệt đối. Đàn chất lượng kém sau 1 thời
gian chơi cần đàn sẽ bị cong dưới sức căng của dây đàn.
- Phím đàn cứng, chắc chắn, dây đàn khi căng chuẩn không bị chạm phím đàn (dẫn đến hiện tượng rè khi chơi).
- Tiếng đàn nghe ấm, vang (vấn đề này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm chơi đàn).
C. Phân loại guitar thùng
1. Classical guitar
- Cần đàn to, ngắn hơn các loại khác (hình 1). Ngăn số 12 nằm ngay chỗ giao giữa cần đàn và thùng đàn.
- Luôn luôn gắn dây nilon.
- Thường dùng chơi cổ điển.
2. Modern guitar
Hình 2: Đàn guitar modern
-
Cần đàn hẹp và dài hơn đàn cổ điển. Ngăn số 15 nằm ngay chỗ giao giữa
cần đàn và thùng đàn. Thùng đàn thường khoét lõm 1 góc để dễ chơi các
ngăn gần thùng đàn (Xem hình 2)
- Luôn luôn gắn dây kim loại.
- Thường dùng chơi đệm hát hoặc solo (tức đánh theo nốt giai điệu của bài hát), chạy nốt nhanh, 1 nốt 1 lần gảy.
3. Acoustic guitar
- Nằm giữa 2 loại trên. Cần đàn to hơn modern nhưng nhỏ hơn classical guitar.
- Dây kim loại hoặc nilon.
- Chơi đệm hát hoặc cổ điển.
Phần 1 đến đây kết thúc. Nếu quý huynh đệ thấy hay xin cho comment khích lệ để người viết phát huy trong các bài viết tiếp theo.
Biên soạn: Lê Trường Vĩnh Phú
Không có nhận xét nào: