Select Menu

clean-5

Wisata

Budaya

Kuliner

Kerajaan

kota

Suku

Guitar cho người mới bắt đầu (phần 6)

Phần 6: Thực hành nhịp căn bản, bài hát Trường Làng Tôi
Đây là một bài hát với giai điệu rất hay, vui tươi trong sáng của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Bài hát gợi nhớ đến những kỷ niệm tuổi thơ, về mái trường, về hình ảnh nông thôn Việt Nam êm đềm với khoảng sân vuông, bờ đê, tiếng chim ca ríu rít.




Phân tích bản nhạc:

Bản nhạc soạn theo nhịp 3/4. Tức là, trong mỗi ô nhịp (giới hạn bởi 2 đường gạch đứng), ta nhịp chân 3 lần. Khoảng cách giữa 2 lần nhịp chân có giá trị 1 nốt đen. Để rõ hơn về nhịp, xin ôn lại ở Phần 4.

Trước khóa son có 2 dấu thăng, nằm ở các nốt Fa (F) và Đố (C). Điều này có nghĩa, mọi nốt Fa và nốt Đố có trong bản nhạc được nâng lên nửa cung, tức là, trên cần đàn bạn chơi nốt đó cao hơn 1 ngăn so với vị trí nguyên thủy của nó. Ôn lại vị trí các nốt nhạc ở Phần 3.

Về trường độ, bản nhạc này có 3 loại nốt:
- nốt đen: giá trị bằng khoảng cách giữa 2 lần nhịp chân.
- nốt trắng: bằng 2 lần nốt đen.
- nốt trắng chấm (trắng và có dấu chấm ngay cạnh ): bằng 1.5 nốt trắng, tức là bằng 3 lần nốt đen.

Bản nhạc còn có các dấu lặng đen, ví dụ sau chữ "vây quanh". Ý nghĩa dấu lặng là ... im lặng, tức chúng ta "nghỉ" 1 khoảng thời gian, bằng với trường độ dấu lặng. Dấu lặng đen có trường độ bằng 1 nốt đen.

Áp dụng vào bài, kết hợp nhịp chân:

Đầu tiên bạn khoan hãy chơi đàn, đơn giản là nhịp chân đều đều, giống như đang nghe nhạc.
OK, let's start!. Chơi nốt "Trường" ngay khi chân dậm xuống đất. Vì nốt này là nốt trắng nên kéo dài 2 lần nhịp chân. Do đó, lần nhịp chân kế tiếp, bạn vẫn giữ nốt này ngân ra, không chơi nốt nào khác cả. Đến lần nhịp thứ 2 sau khi chơi nốt này (tức 2 lần nốt đen), chơi tiếp "làng". Ngay lần nhịp kế tiếp lại chơi chữ "tôi", vì "làng" chỉ có giá trị 1 nốt đen.

Diễn tả nôm na nó như sau:

<dậm>---------<dậm> <dậm> ------<dậm> <dậm> <dậm> <dậm> <dậm>

TRƯỜNG <dậm> LÀNG ---TÔI <dậm> . CÂY --XANH ---LÁ ---VÂY --QUANH. <dậm>


Bản nhạc này là một bài tập căn bản rất tốt để các bạn làm quen với việc đập nhịp. Hy vọng các bạn sẽ thích bản nhạc này.

Biên soạn: Lê Trường Vĩnh Phú

Guitar cho người mới bắt đầu (phần 5)

Phần 5: Thực hành bài tập Carulli số 18
A. Giới thiệu

Qua các phần trước, các bạn đã có khái niệm về nốt nhạc, nhịp. Tuần này chúng ta sẽ bắt tay vào tập 1 bài tập ngón trong sách Carulli. Bài này được soạn để giúp học viên chơi các nốt trên cung La thứ (A-minor, hay Am). Trong cách Carulli, bài này được đánh số 18. Bản nhạc này gồm có 2 phần, phần đầu viết trên cung La thứ, phần sau viết trên cung Đô trưởng.

Nhân tiện cũng xin giới thiệu với các bạn khái niệm cung và trưởng/thứ. 1 bài hát thường người ta soạn trên một âm giai (hay còn gọi là cung). Âm giai trước hết quy định độ cao của bài hát. Ví dụ khi đi hát đám cưới, người đệm đàn có thể hỏi bạn: "hát trên cung nào?". Âm giai được gọi tên bằng Tên Nốt + trưởng/thử. Ví dụ: âm giai Đô trường, âm giai La thứ.

Nói 1 cách đơn giản, thường 1 cặp trưởng và thứ đi kèm với nhau. Ví dụ: âm giai đô trưởng đi với âm giai la thứ. Để phân biệt trưởng và thứ, người ta thường dùng quy tắc cảm nhận sau: bài hát âm điệu vui tươi, trong sáng là âm giai trưởng. Bài hát buồn, da diết là âm giai thứ. Sau này khi bạn học chơi hợp âm sẽ cảm nhận rõ hơn điều này.

Bài Carulli số 18 cũng gồm 2 phần: phần đầu đô trưởng, phần sau la thứ. Hôm nay chúng ta tập phần đầu trước.

B. Phân tích bài nhạc

Sau đây là bản nhạc (hình lấy từ trang votahan.com, trích sách Carulli). Các bạn có thể download attachment ở dưới bài để in ra tập cho dễ. Phần đầu chúng ta chơi đến chỗ chữ FIN, cuối dòng nhạc thứ 5


- Tổng thể: bài này nên chơi chậm (Andante), rõ ràng từng nốt. Thật ra chơi chậm khó hơn chơi nhanh rất nhiều, và giúp tiếng đàn mau tiến bộ hơn.

- Nhịp: như đã đề cập ở Phần 4, nếu bài không ghi nhịp, và sau khoá Sol có chữ C, bài hát chơi theo nhịp 4/4, tức là:

+ Mỗi ô nhịp các bạn nhịp chân 4 lần. Khoảng cách giữa 2 lần nhịp chân là 1 nốt đen.
+ Ô nhịp đầu và ô nhịp cuối không cần phải có 4 nhịp, mỗi nhịp 1 nốt đen, NHƯNG tổng giá trị nhịp của ô đầu và ô cuối phải là 1 nốt đen. Rõ hơn: ô nhịp đầu tiên có 4 nốt đơn = 2 nốt đen. Ô nhịp cuối cùng (trước chữ FIN) 1 nốt đen và 1 dấu lặng đen, tổng cộng: 2 nốt đen. Suy ra, ô nhịp đầu + ô nhịp cuối = 4 nốt đen, như ta nói ở trên.

+ Bài này các bạn để ý sẽ thấy đa số là nốt đơn. Do đó, cứ 2 nốt ta nhịp chân 1 lần. Xét 4 nốt đầu tiên: bắt đầu bằng cách nhịp xuống ở nốt La, nhấc lên nốt Si, nhịp xuống nốt Đố, nhấc lên nốt Rế.

- Nốt thăng, giáng: bài này không có quy định nốt thăng giáng toàn bài, do đó phần lớn các bạn chơi theo hướng dẫn ở Phần 3: Nốt nhạc. Tuy nhiên, ở một số chỗ họ soạn có dấu thăng #, ví dụ nốt son đầu ô nhịp thứ 4. Trong trường hợp đó, bạn chơi CAO HƠN 1 khung trên cần đàn so với nốt Sol chuẩn, tức là: bình thường bạn đánh nốt Sol bằng cách đánh dây số 3, không bấm; để chơi Sol thăng, bạn đánh dây số 3, bấm phím 1. Lưu ý là dấu thăng SẼ ĐƯỢC ÁP DỤNG CHO TOÀN THỂ NỐT SON TRONG CÙNG Ô NHỊP. Nếu người ta để dấu bình trước nốt Sol, thì tức là ta chơi lại bình thường ở cao độ chuẩn, không thăng nữa .

- Thế tay trái: hoàn toàn là các nốt đã được luyện tập ở bài thực hành trong Phần 3
- Cách chơi tay phải: các nốt bass có đuôi quay xuống bạn sẽ chơi bằng ngón cái. Các nốt giai điệu liên tiếp nhau thường luân phiên trỏ và giữa. Khi 2 nốt giai điệu nằm thẳng hàng, ta chơi 2 nốt cùng lúc bằng 2 ngón trỏ và giữa.

Cách chạy ngón của người soạn khi chơi bài này: khởi đầu bằng GIỮA-TRỎ-GIỮA-TRỎ cho 4 nốt đầu tiên. Còn khi chạy nốt xuống (cuối ô nhịp số 3), chơi 4 nốt đấy bằng TRỎ-GIỮA-TRỎ-GIỮA.

C. Video minh họa



Người viết đang cân nhắc soạn 1 bản guitar pro để hỗ trợ, nếu các bạn gặp khó khăn với bài tập. Mong nhận được sự phản hồi đối với các bài viết trong lọat bài Guitar cho người mới bắt đầu: bài viết hay, dở, dễ hiểu, khó hiểu, có giúp ích cho bạn?

Biên soạn: Lê Trường Vĩnh Phú

Guitar cho người mới bắt đầu (phần 4)

Phần 4: Nhịp
A. Nhịp là gì?

Ở Phần 3: Nốt nhạc, chúng ta đã biết được cách biểu diễn các nốt nhạc trên khuôn nhạc, về cao độ cũng như trường độ các nốt. Tuy nhiên, chỉ với những thông tin đó, chưa đủ để chúng ta chơi 1 bản nhạc hoàn thiện, ví dụ 2 vấn đề sau:

-Làm sao người chơi có thể giữ được trường độ của tất cả các nốt một cách chính xác, khi mà lúc thì ta chơi nốt đen, lúc lại nốt đơn, nốt kép.
-Làm sao diễn tả được một bài hát với những lúc chơi mạnh, nhẹ. Làm sao phân biệt điệu Valse với Tango, Slow với Blue… Giả sử chúng ta chỉ chơi đểu đều nốt nào đúng trường độ nốt ấy thì bài hát không có “hồn”.

Từ đây khái niệm “nhịp” được giới thiệu. Nhịp là sự phân chia bài hát thành các phách (thì), và tạo điều kiện để diễn tả phách mạnh, phách nhẹ. Một người chơi guitar tốt phải nắm vững việc giữ nhịp, vì thứ nhất, nó giúp chúng ta chơi đúng trường độ các nốt cho toàn bài, thứ hai, nó giúp diễn tả bài hát sinh động và có hồn hơn.

B. Ký hiệu nhịp

Trong bản nhạc, ngoài năm dòng kẻ ngang, còn còn các dòng kẻ dọc, phân chia bản nhạc thành các ô nhịp.
Ở đầu bản nhạc, sau khóa SOL, thường có một số dạng thập phân, ví dụ 2/4, ¾, 4/4, 3/8, 6/8, các số này thể hiện nhịp của bài hát, trong đó:

1. Mẫu số thể hiện trường độ của một phách. Trường độ 1 phách = (trường độ nốt TRÒN)/mẫu số. Như đã trình bày ở Phần 3:

Một nốt TRÒN = 2 nốt TRẮNG = 4 nốt ĐEN = 8 nốt MÓC ĐƠN

tức là, nếu mẫu số là 4 (như trường hợp nhịp 2/4, ¾, 4/4) mỗi phách có trường độ bằng nốt ĐEN. Nếu mẫu số là 8 (như trường hợp nhịp 3/8, 6/8) mỗi phách có trường độ bằng một nốt móc đơn.

2. Tử số thể hiện số phách có trong một ô nhịp.

Nhận xét như sau: tử số càng lớn thì số lần đập nhịp trong một ô nhịp càng nhiều, mẫu số càng lớn thì khoảng cách giữa 2 lần đập nhịp càng ngắn (đập nhanh hơn).
Cũng có khi trên bản nhạc không để số chỉ nhịp, mà có ký hiệu chữ C (khá thông dụng). Khi đó, bản nhạc đó được chơi ở cung Đô trưởng, nhịp 4/4.

C. Kết hợp đập nhịp khi chơi đàn


Khi chơi đàn thường người ta nhịp bằng chân trái. Nếu các bạn có tập qua bài thực hành ở Phần 2, chắc cũng mường tượng sơ sơ cách nhịp chân khi chơi nốt đen, nốt móc đơn, móc kép.
Ví dụ ta chơi đàn độ dài một nốt đen là 1 giây:
Nhịp ¾, tức là một ô nhịp ta nhịp chân 3 lần, giữa 2 lần nhịp chân cách nhau một khoảng 1 giây.Nhịp 6/8, tức là một ô nhịp ta nhịp chân 6 lần, giữa 2 lần nhịp chân cách nhau 0.5 giây.
Tuy nhiên, đối với nhịp 6/8, thay vì nhịp 6 lần như trên, người ta thường nhịp 2 phách, mỗi phách giá trị một nốt đen chấm (một đen chấm = đen + ½ đen = 3 móc đơn).
Khi chơi đàn, vấn đề giữ nhịp khá khó, đòi hỏi phải có sự luyện tập từ đầu. Hơn nữa, khi nhìn vào bảng nhạc, để xác định nhịp chân thế nào cho đúng, người chơi phải nắm vững cách đọc bản nhạc. Vì khi chơi, ta phải chơi nhiều loại nốt (đen, trắng, móc đơn, móc đôi…) có trường độ khác nhau. Ví dụ với nhịp ¾, một ô nhịp có thể có 3 nốt đen, hoặc 6 nốt móc đơn. Nhịp 6/8, một ô nhịp có thể có 6 nốt móc đơn, 3 nốt đen, hoặc 2 nốt đen chấm.
Lưu ý: các DẤU LẶNG cũng được tính vào giá trị chung của ô nhịp.

D. Thực hành

Các bạn có thể bắt tay vào tập bài Carulli số 1:

Guitar cho người mới bắt đầu (phần 3)

Phần 3: Nốt nhạc
A. Căn bản nốt nhạc
Các dấu căn bản của bản nhạc:

Hình 1. Các dầu căn bản (trang votahan.com, nguồn: sách Carulli)

Các dấu hiệu trên hình thể hiện TRƯỜNG ĐỘ của nốt được chơi, hoặc của quãng nghỉ (lặng). Trong âm nhạc, việc nghỉ (lặng), tức không phát ra âm thanh, cũng quan trọng không kém việc chơi một nốt nào đó.

Có 4 thuộc tính chính của một nốt tạo nên tiếng đàn ta nghe:

a/ Cao độ

b/ Trường độ

c/ Cường độ

d/ Âm sắc

Các nốt khác nhau thì cao độ khác nhau. Ví dụ: nốt Mì thấp hơn nốt Fa nửa cung, nốt Fa thấp hơn nốt Sol một cung… Khi chơi guitar, có thể nói cao độ là thứ dễ dàng đạt được nhất, bằng cách bấm đúng vị trí nốt trên cần đàn.

Trường độ, cường độ và âm sắc là những thuộc tính khó để đạt được sự hoàn thiện, và chúng thể hiện trình độ khác nhau của những người chơi đàn. Người chơi lâu năm và học bài bản tiếng đàn sẽ rất khác với những người mới bắt đầu, nếu họ cùng chơi 1 bản nhạc giống hệt nhau.

Sự khác nhau về cao độ các nốt nhạc thể hiện như sau:

ĐỒ 1 cung RÊ 1 cung MI ½ cung Fa 1 cung SOL 1 cung LA 1 cung Si ½ cung ĐỐ

Nhận xét:

- Các nốt khác nhau 1 cung về cao độ, trừ trường hợp Mi – Fa và Si – Đô là chênh lệch ½ cung.

- Nốt ĐỒ đầu tiên và nốt ĐỐ cuối cùng cùng tên (là nốt C trong ký âm phương Tây), nhưng khác nhau về cao độ. Người ta thường gọi la chênh nhau 1 quãng Tám.

Ví dụ về sự khác nhau quãng Tám, trong các bài song ca nam, nữ, ở những đoạn 2 ca sĩ hát cùng nhau, người nam thường hát rất thấp, người nữ hát rất cao, nhưng ta nghe vẫn rất hài hòa như một. Trong trường hợp đó, ví dụ người nam hát nốt Đồ, người nữ sẽ hát nốt Đố cao hơn quãng tám, người nam hát Rê, người nữ hát Rế…


B. Vị trí các nốt trên bản nhạc


Hình 2. Vị trí các nốt nhạc (trang votahan.com, nguồn: sách Carulli)


C. Vị trí các nốt trên cần đàn

Nhắc lại trong các phần trước: các nốt của 6 dây đàn là Mì Là Rề Sol Si Mí, tính từ dây số 6 (dây to nhất) xuống dây sốt 1 (dây nhỏ nhất). Để chơi các nốt này, ta chỉ cần gảy dây tương ứng, không bấm bất kỳ phím nào bằng tay trái ở cần đàn.

Ở cây đàn guitar, 1 ngăn trên cần đàn tương ứng ½ cung về mặt cao độ. Tức là:

- đánh dây số 6 buông là nốt Mì (nốt đầu tiên trong hình 2)

- bấm ngăn đầu tiên và chơi dây số 6, sẽ được nốt Mì + ½ cung, tức nốt Fà (ta biết Mì – Fà chênh nhau ½ cung như đã nói ở trên)
- Bấm ngăn số 3 và chơi dây số 6, ta được nốt Sol, vì Fà + 1 cung (2 ngăn) = Sol

- Bầm ngăn số 5 và chơi dây số 6, ta được nốt Là, vì Sol + 1 cung = Là.

Và, điểm đặc biệt, nốt Là trên dây số 6, ngăn 5 cũng chính là nốt là khi chơi dây số 5 không bấm. Đặc điểm này ta đã tận dụng trong việc lên dây đàn (ở bài: Guitar cho người mới bắt đầu, phần 2). Ở đây ta nhận xét thêm, một nốt với cùng cao độ, có thể được chơi bằng nhiều vị trí khác nhau trên cây đàn. Do đó, nảy sinh các khái niệm xếp ngón (arrangement) và thế tay (position) khi chơi một bản nhạc.

Thường với người mới bắt đầu, cung Đô trưởng là điểm khởi đầu để học và nhớ nốt:

- Bắt đầu với nốt Đồ, ở ngăn 3 dây số 5
- Nốt tiếp theo là Rê, dây số 4 buông.
- Sau đó là Mi, ngăn 2 dây số 4.
- Tiếp đến là Fa, ngăn 3 dây số 4.
….


Ta sẽ có bài tập thực hành chơi các nốt trên cung Đô trưởng, sẽ được trình bày ở phần bài tập thực hành.


D. TAB

TAB là cách biểu thị bản nhạc nhanh, dễ đọc cho những người mới bắt đầu. Ví dụ ta có khuôn nhạc sau:



Thì cách biểu diễn TAB tương ứng cho nó là:



Cách đọc TAB:

a/ Có 6 dòng kẻ, tương ứng với 6 dây đàn guitar. Từ trên xuống dưới là dây số 1, 2, 3, 4, 5, 6.

b/ Các số viết trên các dòng kẻ là ngăn ta phải bấm trên dây tương ứng để chơi nốt nhạc. Ví dụ: nốt đầu tiên là số 3, nằm trên dòng kẻ thứ 5, do đó ta bấm ngăn 3 trên dây số 5 để chơi nốt này.

c/ Bản tab được đọc từ trái qua phải, tương tự bản nhạc. Nếu 2 số nằm trên 2 dây khác nhau, nhưng cùng một hàng dọc, ta sẽ chơi cùng lúc 2 nốt này.

Phần mềm guitar pro là phần mềm thông dụng và giúp người học tiếp cận với guitar nhanh. Chức năng chính của guitar pro là thể hiện bản nhạc, bản tab, vị trí nốt trên cần đàn, chơi thành âm thanh ta nghe và tập theo được.

Cách biểu diễn TAB được ưa chuộng, nhất là với người chơi không chính quy vì đã chỉ sẵn vị trí nốt, người đọc không cần học và biết nốt nhạc. Tuy nhiên, chúng ta nếu xác định đầu tư thời gian để tập đàn thì nên tiếp cận với cách đọc bản nhạc trước, và dùng tab như một công cụ hỗ trợ học nhanh. Điểm yếu của tab là không thể hiện được trường độ của nốt nhạc, tức là: nốt nào nốt đơn, đen, ngân bao lâu…


E. Thực hành

Tập đọc và chơi các nốt trên cung đô trưởng. Tay phải đánh đảo ngón hệt như bài tập thực hành ở phần 2. Cách xếp ngón tay trái xin xem ở video demo. Giao diện chụp từ Guitar Pro 5:



Các bạn có thể tải file .gp đính kèm về và chạy bằng chương trình Guitar Pro.

Các bạn có thể đặt một số mục tiêu cho mình trong bài tập này:

a/ Chơi bài tập lặp đi lặp lại 10 lần mà vẫn không vấp, sai.

b/ Tay phải đảo ngón chính xác và không vấp: bạn khởi đầu 1 vòng bằng cách dùng ngón trỏ gảy nốt đồ, sau đó luân phiên ngón trỏ - giữa, thì khi chạy về lại nốt Đồ ngón gảy chính xác phải là ngón trỏ.

File guitar pro cho bài tập: www.box.net/shared/7ygmxu1t62

Video minh họa.



Thân ái.
Biên soạn: Lê Trường Vĩnh Phú

Guitar cho người mới bắt đầu (phần 2)

Phần 2: Bắt đầu tập đàn
A. Lên dây đàn

Ngắn gọn là: đầu tiên phải lên dây đàn cho đúng. Lên dây tức là thông qua việc chỉnh bộ khóa (xem Phần 1) làm cho các dây đàn căng đến độ chuẩn sao cho tần số âm thanh phát ra đạt đúng các nốt quy định.
Xin nói sơ qua về nốt nhạc, có 6 nốt cơ bản:

Đồ Rê Mi Pha Sol La Si (cách gọi thông dụng ở Việt Nam)
C D E F G A B (cách gọi phương Tây, thường được ký âm trong các bản nhạc)

Để dễ nhớ lúc ban đầu, có một số mẹo như: A là La, F là Pha… các nốt khác thì suy ra từ 2 nốt này. Sau khi tập được 1 thời gian tự khắc chúng ta nhớ "mặt chữ" dễ dàng.

Các nốt dây đàn guitar khi đánh dây buông (tức không bấm phím nào), theo thứ tự từ dây số 6 đến dây số 1 (hay từ dây to nhất đến dây nhỏ nhất), là:
Mi La Rê Sol Si Mi

Mục đích ở đây là lên dây đàn cho chuẩn đúng 6 nốt này.

Các phương pháp lên dây đàn:

1. Dùng guitar tuner:
Guitar tuner là thiết bị điện tử nhận âm thanh từ tiếng đàn, sau đó hiển thị tần số (hay tên nốt) tương ứng với âm thanh đầu vào, dĩ nhiên đạt được độ chính xác cao.

2. Thủ công (cảm nhận bằng tai)
Trên guitar, cùng một nốt ta có thể chơi ở nhiều vị trí khác nhau trên các dây khác nhau. Dựa vào điều này, người ta áp dụng nguyên tắc so chuẩn TƯƠNG ĐỐI các dây đàn với nhau.
- Nốt bấm trên ngăn số 5 của dây số 6 (dây to nhất) = nốt chơi dây số 5 buông (không bấm), ở đây là nốt La.
Tương tự:

+ ngăn 5 dây 5 = dây 4 buông (nốt Rê)

+ ngăn 5 dây 4 = dây 3 buông (nốt Sol)

+ ngăn 5 dây 2 = dây 1 buông (nốt Mi).
NGOẠI LỆ duy nhất là: ngăn 4 dây 3 = dây 2 buông (nốt Si).

Có thể suy luận thêm: ngăn 10 dây 6 = dây 4 buông (nốt Rê), ngăn 9 dây 3 = dây 1 buông (nốt Mi)... Tất cả đều hỗ trợ chúng ta trong việc căng chuẩn TƯƠNG ĐỐI các dây đàn với nhau.

Tại sao chỉ là TƯƠNG ĐỐI? Vì trường hợp thực tế có thể xảy ra là, tất cả các dây đàn đều thấp hơn hoặc đều cao hơn cao độ chuẩn 1 quãng âm bằng nhau. Khi đó, ta vẫn nghe tiếng đàn các dây hài hòa với nhau, nhưng thực tế là cao độ không chuẩn.
Làm thế nào để đạt được TUYỆT ĐỐI? Thông thường người ta so 1 nốt của 1 dây đàn guitar với một nốt của thiết bị khác (đã được căng chuẩn), như Piano, hoặc 1 dụng cụ gọi là thanh La mẫu (nốt La).
Độ chính xác của phương pháp thủ công phụ thuộc nhiều vào tai nghe của người chơi đàn.

3. Dùng phần mềm máy tính
Cách này tương tự như dùng digital tuner. Điềm khác biệt là ta đánh tiếng đàn cho qua 1 micro, truyền thẳng vào máy tính, rồi chỉnh dây đàn dưới sự hỗ trợ của 1 số phần mềm. Ví dụ: chức năng Tuner trong Guitar Pro (Guitar Pro là phần mềm có bản quyền), hoặc phần mềm AP guitar tuner....

Trong tầm hiểu biết của mình, người viết khuyến khích dùng AP Guitar Tuner. Phần mềm này nhỏ gọn, miễn phí, dễ dùng, có thể download tại: Tại Đây

Hình 1: AP guitar tuner

Hình 1 là giao diện của AP guitar tuner. Lưu ý cột bên tay phải là 6 nốt cùa dây đàn, dây số 6 ở dưới cùng (E2), dây 1 ở trên cùng (E4). Khi ta đánh 1 dây đàn, âm thanh được thu vào mic và AP guitar tuner cho ta biết nốt đó gần với nốt nào, chênh lệch bao nhiêu phần trăm tần số. Trên hình là ví dụ đánh dây số 6, và dây đàn hiện tại cao hơn tần số chuẩn khoảng 4.1%. Theo nhận xét chủ quan, khi lên dây sai số +- 5% đã là khá tốt.

B. Thế ngồi và cách cầm đàn


Tư thể lý tưởng và luôn được khuyến khích khi chơi guitar cổ điển được thể hiện như trong hình 2(trích sách Carulli). Các huynh đệ có thể tìm đọc thêm chi tiết về thế ngồi chuẩn trong nhiều tài liệu, nhưng tựu trung mục tiêu chính của 1 thế ngồi tốt là:

- Giữ đàn vững. Khi tay trái và tay phải di chuyển để chơi đàn thì đàn vẫn được giữ vững bởi 2 đùi và phần gần ngực.
- Lưng thẳng (nhưng tự nhiên, không gò bó, ưỡn hoặc cong người quá mức), 2 tay thư giãn, tự nhiên.
- Chân phải thường dùng để đập nhịp nhẹ nhàng.

Tuy nhiên trong một số tài liệu người ta cũng lưu ý là có nhiều tay guitar vĩ đại nhưng có những thế ngồi “lạ” và “không hoàn toàn chuẩn mực”, cốt là họ đạt được sự thoải mái và thuận tiện nhất khi chơi đàn với tư thế ấy.

C. Làm quen với cây đàn

Chúng ta sẽ bắt đầu tạo ra những âm thanh đầu tiên, với một bài tập tạm gọi là “khởi động”.

Bài tập này tóm tắt như sau:

Bước 1: ôm đàn vững (như trong hình 1).

Bước 2: dùng ngón trỏ tay trái bấm ngăn 1 của dây số 1 (dây nhỏ nhất, trong hình là dây dưới cùng). Dùng ngón trỏ tay phải đánh dây số một.

Bước 3: dùng ngón giữa tay trái bấm ngăn 2 của dây số 1. Lưu ý ta thả ngón trỏ (ở bước 2) ra. Trong bài tập này mỗi lần ta chỉ dùng 1 ngón tay trái bấm 1 nốt. Dùng ngón giữa tay phải đánh dây số một.

Bước 4: dùng ngón áp úp tay trái bấm ngăn 3 của dây số 1. Dùng ngón trỏ tay phải đánh.

Bước 5: dùng ngón út tay trái bấm ngăn 4 dây 1. Dùng ngón giữa tay phải đánh.

Sau đó, lặp lại từ bước 2 -> bước 5, nhưng bắt đầu từ ngăn 2 của dây số 1 (nói nôm na là ta “bò” lên cao hơn 1 ngăn so với lúc đầu ), rồi tiếp tục di chuyển lên ngăn 3, ngăn 4… một cách liên tục.

Video minh họa



Mục tiêu của bài tập này:

1. Giúp tay trái làm quen cảm giác bấm dây đàn, sao cho chắc và tiếng không bị tẹt, bằng cả 4 ngón tay.
2. Giúp ngón trỏ và ngón giữa tay phải làm quen cảm giác gảy dây đàn, luân phiên nhau trên cùng 1 dây.
3. Ở phần tiếp theo khi chúng ta là quen về nhịp, bài tập này sẽ kết hợp việc nhịp chân theo nốt đơn, nốt kép…
4. Bài tập này có thể được chơi đi chơi lại lâu dài, như 1 bài khởi động, và ta sẽ chạy ngón lần lượt trên cả 6 dây (với các dây bass ta dùng ngón cái để gảy), giống như trước khi thi đấu thể thao ta thường phải khởi động vậy.

Thân ái.
Biên soạn: Lê Trường Vĩnh Phú

Kerajaan